Sợi dệt là gì? Các loại sợi dệt vải phổ biến nhất hiện nay
Sợi dệt vải là thuật ngữ không còn xa lạ trong ngành thời trang may mặc. Đây là một trong những nguyên liệu cơ bản nhất trong việc tạo nên các thước vải và sau cùng là tạo nên các item thời trang, quần áo. Vậy sợi dệt là gì? Có những loại sợi dệt nào? Đặc điểm của chúng ra sao? Tất cả sẽ được 5S Fashion bật mí ngay trong bài viết dưới đây!
Sợi dệt là gì?
Sợi dệt là gì?
Sợi dệt là nguyên liệu quan trọng, quyết định đến chất lượng của sản phẩm may mặc. Ban đầu, người ta sẽ xe, xoắn, dính kết các xơ dệt lại với nhau để tạo nên sợi dệt. Trong đó, xơ dệt thường có dạng mảnh nhỏ, mềm, có thể là xơ tự nhiên hoặc nhân tạo. Sau đó, trải qua quá trình kéo sợi và dệt, các sợi dệt này sẽ được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo ra các sản phẩm vải khác nhau như vải sợi, vải len, vải dệt kim,...
Quá trình dệt và kéo sợi có thể thực hiện bằng máy hoặc bằng tay theo cách thủ công. Tùy vào công nghệ sợi dệt mà người ta sẽ tạo nên các sản phẩm có cấu trúc bề mặt vải, hoa văn, họa tiết khác nhau. Sản phẩm làm từ sợi dệt được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ may mặc, nội thất đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Phân loại sợi dệt
Tùy vào cấu trúc, quy trình sản xuất và công nghệ dệt mà sợi dệt sẽ được chia thành nhiều phân loại khác nhau. Sau đây cách phân loại sợi dệt dựa trên một số tiêu chí cụ thể:
Dựa trên cấu trúc
Phân loại sợi dệt dựa trên cấu trúc
Dựa trên cấu trúc sợi dệt, người ta chia sợi dệt thành hai loại sau:
- Loại sợi thứ nhất: Đây là loại sợi dệt thu được trực tiếp ngay sau quá trình kéo sợi. Nó sẽ có các dạng như sau:
- Sợi đơn (sợi con): Được tạo nên từ các xơ cùng loại hoặc khác loại, bao gồm sợi trơn và sợi hoa. Đây là dạng sợi dệt phổ biến nhất, chiếm đến 85% trong ngành sản xuất sợi dệt trên toàn cầu. Một số loại sợi đơn thông dụng bạn có thể dễ dàng bắt gặp như sợi bông, sợi len,...
- Sợi phức: Bao gồm các sợi dệt cơ bản được xoắn, dính kết lại với nhau. Trong đó, chỉ có duy nhất tơ tằm là loại sợi phức tự nhiên, các loại sợi phức khác đều là sợi hóa học.
- Sợi cắt: Là loại sợi dệt được xe, xoắn từ các dải băng như kim loại, giấy, nhựa.
- Loại sợi thứ hai: Bằng cách ghép và xoắn các loại sợi thứ nhất lại với nhau theo từng loại, bạn sẽ thu được loại sợi thứ hai này. Vì vậy, loại sợi dệt này còn được biết đến với tên sợi xe.
Dựa trên quá trình sản xuất
Phân loại sợi dệt dựa trên quá trình sản xuất
Dựa trên tiêu chí về xử lý hóa chất trong quy trình sản xuất, sợi dệt vải được chia thành hai loại chính bao gồm:
- Sản phẩm mộc: Bao gồm các loại xơ, sợi dệt, vải vẫn còn ở dạng nguyên sơ, chưa trải qua quá trình xử lý hóa chất. Vì vậy, nó vẫn giữ nguyên tính chất, cấu trúc ban đầu. Do đó, loại sản phẩm mộc này thường được sử dụng để làm nguyên liệu, phụ liệu cho các ngành sản xuất khác.
- Sản phẩm hoàn tất: Khác với sản phẩm mộc, đây là các loại xơ, sợi dệt, vải đã trải qua quá trình xử lý hóa chất như nấu, tẩy, in định hình nhiệt, nhuộm, tẩm chất chống thấm, chống nhàu,...
Dựa trên nguyên liệu, hệ thống kéo sợi
Phân loại sợi dệt dựa trên nguyên liệu, hệ thống kéo sợi
Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu và hệ thống kéo sợi khác nhau, sợi dệt cũng sẽ sở hữu kết cấu và chất lượng khác nhau. Cụ thể, dựa trên nguyên liệu và hệ thống kéo sợi, sợi dệt được chia thành ba loại sau:
- Sợi chải thường (sợi chải thô): Sử dụng nguyên liệu xơ với chiều dài sợi ở mức trung bình, được kéo trên dây chuyền máy chải thô. Sợi dệt thu được có chất lượng ở mức trung bình. Một số loại sợi thô phổ biến như sợi bông, sợi đay,...
- Sợi chải kỹ: Sử dụng nguyên liệu xơ dài, chất lượng cao, được kéo trên dây chuyền kéo sợi với máy chải thô và máy chải kỹ. Từ đó, cho ra loại sợi dệt có chất lượng cao (sợi bông, sợi len,...) phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất chỉ khâu, hàng dệt kim, vải sợi cao cấp. Do đó, giá sợi dệt này cũng sẽ cao hơn so với các loại sợi dệt khác.
- Sợi chải liên hợp: Sử dụng nguyên liệu xơ ngắn, chất lượng thấp hoặc xơ phế liệu của hai loại trên. Sợi chải liên hợp được kéo sợi trên dây chuyền gồm nhiều máy chải thô, máy phân băng, vê, trộn,... Từ đó, tạo ra các loại sợi dệt xốp, phục vụ cho ngành dệt chăn mền, khăn trải bàn, vải bọc sofa, thảm,...
Các loại sợi dệt vải được sử dụng phổ biến nhất hiện nay
Có thể nói, sợi dệt là thành phần cơ bản nhất để tạo nên vải. Tùy vào cấu trúc, đặc tính của sợi dệt mà người ta sẽ ứng dụng nó vào các ngành sản xuất vải sợi khác nhau. Sau đây là các loại sợi dệt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Sợi Cotton
Sợi bông
Đây là loại sợi dệt tự nhiên, được dệt từ sợi của cây bông. Trong ngành dệt may, người ta thường phân biệt sợi bông theo mùi, màu, độ sạch và chiều dài của sợi. Theo đó, sợi bông càng dài sẽ có chất lượng càng tốt.
Có thể nói, sợi bông là một trong những loại sợi dệt dẫn đầu hiện nay về độ “phủ sóng”. Sợi dệt này sở hữu ưu điểm với khả năng thấm hút cao, thoáng khí, mang đến cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Đặc biệt, với nguồn gốc từ tự nhiên, đây còn là loại sợi dệt thân thiện với môi trường, an toàn với làn da người mặc, không gây kích ứng da.
Ngoài ra, sợi bông có đặc tính dẻo dai hơn khi thấm nước, bền với kiềm, dễ cháy, dễ bị axit ăn mòn. Đặc biệt, mặc dù có thành phần từ tự nhiên nhưng sợi bông lại có khả năng chống chịu tốt với các ảnh hưởng từ mối mọt, côn trùng.
Với các ưu điểm trên, vải Cotton được ứng dụng rộng rãi trong thời trang may mặc, có thể kể đến như áo thun nam, sơ mi công sở, trang phục bảo hộ lao động, quần áo trẻ em,... Bên cạnh đó, bạn còn có thể bắt gặp sợi dệt Cotton ở nhiều ứng dụng khác như chăn mền, drap giường, gối, khăn tay, khăn tắm,...
Khi sử dụng các sản phẩm được làm từ sợi dệt Cotton, bạn nên lưu ý ủi ở nhiệt độ thích hợp, khoảng 180 - 200 độ C. Đồng thời, nên giặt bằng các loại nước giặt kiềm để bảo quản sợi dệt tốt hơn.
Sợi tơ tằm
Sợi tơ tằm
Lụa là sản phẩm được dệt từ sợi tơ tằm, được mệnh danh là “nữ hoàng của ngành dệt” với vẻ ngoài sang trọng, đẳng cấp, quý phái. Sợi tơ tằm sở hữu bề mặt óng ánh tự nhiên, mỏng, mượt, nhẹ, mịn màng.
Với khả năng hút ẩm tốt, đây là loại sợi dệt lý tưởng cho thời tiết mùa hè, mang lại cho người mặc cảm giác mát mẻ. Đồng thời, với khả năng cách nhiệt tốt, loại sợi dệt này cũng được đánh giá cao trong thời tiết mùa lạnh, giúp người mặc giữ ấm tốt hơn.
Lụa tơ tằm thường được ứng dụng để may áo dài, váy dạ hội, đồ ngủ, lễ phục,... Tuy nhiên, loại sợi dệt này lại khá nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ ủi thích hợp là từ 140 - 150 độ C. Nhiệt độ quá cao sẽ làm sợi tơ mất đi độ bóng. Đồng thời, việc phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời cũng có thể làm sợi tơ bị mục, co rút, kém bền.
Sợi len
Sợi len
Đây cũng là loại sợi dệt thuộc nhóm sợi tự nhiên, được dệt từ lông của một số loài động vật như dê, cừu, lạc đà,... Sợi len có đặc tính giữ nhiệt tốt, nhẹ, ít nhăn. Tuy nhiên, nó có thể bị nấm mốc và vi khuẩn phá hủy cấu trúc sợi dệt.
Với khả năng giữ ấm tốt, len là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong việc sản xuất các sản phẩm giữ ấm như áo len nam, áo măng tô, mũ len, găng tay, khăn choàng,... Khi giặt các sản phẩm làm từ len, bạn cần đặc biệt không giặt bằng nước nóng. Đồng thời, len kém bền với kiềm nên hãy chọn các loại nước giặt trung tính.
Trên thực tế, để đánh giá chất lượng sợi dệt len, người ta thường dựa vào đường kính sợi, màu sắc, quá trình uốn,... Theo đó, sợi len có đường kính sợi càng lớn sẽ có chất lượng càng tốt, đồng nghĩa với việc giá thành của nó cũng sẽ khá cao.
Sợi Viscose
Sợi Viscose
Sợi Viscose được sản xuất từ nguyên liệu chứa hàm lượng cellulose cao như tre, nứa, gỗ,... Tuy có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng các phân tử này đã được kết cấu, tái tạo lại. Do đó, sợi Viscose được xếp vào nhóm sợi dệt nhân tạo.
Loại sợi này có đặc tính mềm mại, bóng, thấm hút tốt, dễ bị co rút, nhăn nhàu, phản ứng nhanh với dung dịch kiềm. Do đó, mặc dù được đánh giá là sợi dệt có bản chất tương tự Cotton nhưng sợi Viscose sẽ yếu hơn và kém bền hơn so với Cotton.
Sợi dệt Viscose thường được sử dụng để làm vải lót trong các trang phục cao cấp như bộ vest nam. Khi là ủi loại sợi dệt này, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ ở mức từ 130 - 140 độ C. Đồng thời, khi giặt, bạn chỉ sử dụng loại xà phòng thông thường, không vắt mạnh tay, không ngâm quá lâu, phơi ở nơi có bóng râm.
Sợi Polyester
Sợi Polyester
Polyester cũng là một trong những sợi dệt vô cùng thông dụng hiện nay. Nó có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ, khí đốt, được tạo thành thông qua quá trình trùng hợp. Vì vậy, đây được xếp vào nhóm sợi dệt nhân tạo.
Với ưu điểm độ bền cao, chống nước, chống bụi, chống nhăn, giữ form tốt, dễ nhuộm màu, sợi Polyester được ứng dụng phổ biến như sản xuất gối, chăn, áo thun, áo khoác, lều, túi ngủ,... đặc biệt là các item phục vụ cho các hoạt động ngoài trời. Đối với các sản phẩm làm từ sợi dệt Polyester, bạn nên ủi ở nhiệt độ từ 150 - 170 độ C, đồng thời, giặt bằng nước lạnh dưới 40 độ C.
Tuy nhiên, sợi Polyester lại có hạn chế về khả năng thấm hút, khiến người mặc bị nóng nực, hầm bí. Vì vậy, hiện nay, người ta thường pha thêm Cotton vào Polyester để khắc phục nhược điểm này.
Sợi Polyamide
Sợi Polyamide
Polyamide là loại sợi dệt nhân tạo. Trong đó, sản phẩm phổ biến nhất của sợi dệt Polyamide là Nylon. Vải dệt từ sợi Polyamide mang đến cho người dùng hàng loạt ưu điểm như nhẹ, bề mặt mềm mịn, co giãn tốt, mau khô, không nhăn, kháng khuẩn, ngăn ngừa nấm mốc.
Bạn có thể tìm thấy sợi dệt Polyamide trong các ứng dụng như quần áo thể thao, quần tất, đồ bơi, đồ lót, lớp lót bên trong áo jacket,... Ngoài ra, với khả năng chống ma sát cao, không thấm nước, trang phục làm từ sợi dệt Polyamide còn là sự lựa chọn lý tưởng dành cho bạn trong các chuyến leo núi, phượt, dã ngoại,...
Tuy nhiên, sợi dệt Polyamide có nhược điểm chịu nhiệt kém, chống ánh sáng kém. Do đó, bạn lưu ý không nên giặt, sấy loại sợi dệt này ở nhiệt độ quá cao, không giặt bằng nước quá 40 độ C. Mức nhiệt an toàn khi là ủi là từ 120 - 150 độ C.
Sợi Acetate
Sợi Acetate
Sợi Acetate có nguồn gốc từ cellulose acetate - chất liệu được chiết xuất từ tre, gỗ, nứa. Bề mặt vải tương tự với lụa thiên nhiên với đặc điểm bóng, mềm mịn, không bám bụi. Do đó, nó còn có tên gọi khác là lụa nhân tạo.
Sợi Acetate được ứng dụng chủ yếu trong sản xuất các loại quần áo nhẹ như áo thun, đầm, váy, cà vạt, đồ lót,... Ngoài ra, với độ bóng đẹp mắt, sợi dệt Acetate còn được ứng dụng trong trang trí nội thất như rèm cửa, drap trải giường, áo phủ xe hơi,...
Tuy nhiên, sợi dệt Acetate có độ bền kém, dễ bị hư hại khi tiếp xúc với axit. Để đảm bảo bề mặt sợi dệt Acetate luôn bóng đẹp, bạn nên ưu tiên giặt bằng tay với nhiệt độ nước dưới 30 độ C, là ủi trên mặt trái của quần áo khi nó vẫn còn ẩm.
Tổng kết
Trên đây là một số chia sẻ của 5S Fashion về sợi dệt, phân loại sợi dệt, các loại sợi dệt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại sợi dệt trong trang phục hằng ngày của mình. Từ đó, hiểu được đặc tính của từng loại sợi dệt và có cách bảo quản đúng cách, giữ cho sợi vải luôn bền đẹp như mới.
5S Fashion - Thời trang cho nam giới!
>> Xem thêm: